Lệ Thu

Ca sĩ Lệ Thu sinh năm 1943 tại Hải Phòng và là “con cầu tự” duy nhất trong một gia đình có nguyên quán Hà Đông. Theo mẹ vào Nam từ rất sớm, bà bắt đầu làm quen với khán giả ở Sài Gòn với những ca khúc như Dang Dở, La Vie En Rose, Love Is A Many Splendored Thing từ năm 1959. Lệ Thu nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong tân nhạc Việt Nam khi trình bày dòng nhạc kinh điển của Phạm Duy, Cung Tiến, Trường Sa, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên.

Từ cuối thập niên 60 đến 1975, tiếng hát Lệ Thu được xếp hàng đầu trong làng ca nhạc miền Nam, bên cạnh Thái Thanh và Khánh Ly. Tên tuổi bà gắn liền với những ca khúc như Ngậm Ngùi , Hương Xưa, Hoài Cảm, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Hạ Trắng, Dáng Ngọc, Chiều Tím, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Nước mắt mùa Thu, Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời, Thu Hát Cho Người…Các hãng phim cũng mời bà hát cho soundtracks trong các phim Người Tình Không Chân Dung và Chiếc Bóng Bên Đường. Ngoài việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu cầu Lệ Thu trình bày Hạ Trắng, bà còn là nguồn cảm hứng cho bài hát Xin Còn Gọi Tên Nhau của tác giả Trường Sa. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi “Tặng Lệ Thu” khi phát hành nhạc phẩm Mắt Buồn, cũng như nhạc sĩ Trần Trịnh viết tặng bà bài Lệ Đá. Nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác nhạc phẩm Kẻ Ở năm 1977, dựa trên thơ của thi sĩ Quang Dũng, để tặng Lệ Thu khi bà vẫn còn ở lại Việt Nam.

Tháng 4 năm 1975, khi gần bước lên máy bay để ra nước ngoài, Lệ Thu đổi ý và quyết định ở lại vì không muốn để mẹ sống một mình ở Việt Nam. Trong những năm sau đó, bà gây ấn tượng với các ca khúc Hà Nội Niềm Tin và Hy Vọng của Phan Nhân và Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh. Năm 1979, Lệ Thu vượt biên bằng đường biển đến Pulau Bidong, Mã Lai và định cư năm 1980 tại California, Hoa Kỳ. Trong những năm tháng ca hát tại hải ngoại, bà tiếp tục gặt hái những thành công mới như Mười Năm Tình Cũ của Trần Quảng Nam, Mười Năm Yêu Em của Trầm Tử Thiêng và Buồn Vương Màu Áo của Ngọc Trọng.

Năm 2007 đánh dấu lần đầu Lệ Thu tái ngộ với khán giả tại Việt Nam, mở đầu cho hàng loạt những sự kiện âm nhạc ở cả hai miền đất nước. Đáng ghi nhận là những đêm diễn thính phòng tại Viện Âm Nhạc TPHCM hoặc với qui mô lớn ở Nhà hát Hòa Bình với sức chứa 2500 khán giả và đặc biệt hơn cả là Nhà Hát Lớn lịch sử ở Hà Nội với hơn một thế kỷ tuổi. Suốt gần 60 năm ca hát, tên tuổi của Lệ Thu được nhiều thế hệ người Việt trong lẫn ngoài nước biết đến qua danh hiệu Tiếng Hát Để Đời mà văn giới đã tặng bà. Lệ Thu qua đời ngày 15 tháng giêng năm 2021 vì COVID-19 tại Fountain Valley, California.

Tự sự

Tôi đứng lặng trên sân khấu trước những tràng vỗ tay tưởng như không dứt của khán giả. Cuối cùng, tôi đã hội ngộ với khán giả quê nhà sau nhiều thăng trầm, biến cố. Những nghệ sĩ như tôi, dù sao vẫn thật may mắn khi xa cách đã lâu, nay trở về vẫn nguyên vẹn cảm giác như ngày xưa. Cứ như không hề có khoảng cách gần 20 năm và nửa vòng trái đất đối với tôi.

Trong đêmChiều nhạc thính phòng vừa rồi, tôi đã nói: ” Quý vị ủng hộ Thu thế này, đúng như tử vi nói, Thu còn hát đến năm 72 tuổi!”. Thế nhưng, nếu nói “định mệnh” phải nghĩ lại, dường như chính tôi đã chọn một định mệnh phải trở thành người của âm nhạc. Tôi phải là ca nhân, dù tất khởi đầu rất ngẫu nhiên, tình cờ.

Kỷ niệm về cái tên khai sinh

Mẹ tôi mang thai tôi ở Hà Đông sau đó chuyển xuống Hải Phòng. Bố tôi dặn, nếu sinh con gái, đặt tên là Bùi Trâm Anh. Khi mẹ sinh tôi, chỉ một mình bà trong bệnh viện. Tôi vừa chào đời, có người qua làm chứng sinh. Giữa lúc vừa đau, vừa mệt mỏi, lại thấy có “ông Tây” ở đó, bà đâm hoảng, nhớ mang máng trong đầu là Anh hay Oanh gì đó. Thế là bà nói đại và họ ghi vào tên Oanh, vì tôi là con gái nên cho thêm chữ Thị. Vậy nên tôi thành Bùi Thị Oanh. Bố tôi giận vì mẹ đã không đặt tên tôi như ông đã dặn nên ở nhà vẫn gọi tôi là Trâm Anh, mãi rồi rút gọn là Trâm.

Tuổi thơ của cô bé Trâm khá êm đềm. Các anh chị tôi xấu số, ra đi sớm, nên mọi tình yêu bố mẹ dồn cả cho tôi. Khoảng năm 1953, gia đình tôi di cư vào Sài Gòn.

Sân khấu đầu tiên và định mệnh tôi chọn

Cuộc sống ở một thành phố mới khá bình lặng. Gia đình tôi cũng tương đối khá giả, tôi chỉ biết đi học. Tất cả mọi bước ngoặt, định mệnh, bắt đầu từ buổi tối tôi ngẫu nhiên được đám bạn bảo lên hát trên sân khấu Bồng Lai. Bài Dang dở tôi hát hôm ấy trở thành mốc đầu tiên trên con đường ca hát rất dài sau này. Nó cũng như nối ám ảnh khiến tôi hay liên tưởng những gì đã xảy ra trong cuộc sống.

Tôi không muốn mẹ biết mình đã là ca sĩ. Không dễ thay đổi nếp nghĩ và quan niệm lúc ấy về nghề xướng ca, nhất là với gia đình tôi, vốn vẫn nghĩ tôi là dòng “trâm anh”. Tôi chọn cái tên Lệ Thu trong khoảng khắc bất chợt cái tên ấy vang lên trong đầu tôi lúc ông chủ phòng trà Bồng Lai hỏi muốn lấy nghệ danh gì.

Sau này, mọi người hay liên tưởng tên Lệ Thu sang câu chuyện về định mệnh của người ca sĩ hát bằng nước mắt như ca khúc Nước mắt mùa thu. Nhạc sĩ Phạm Duy có nhiều bài hát về mùa thu và tôi nghĩ ông viết bài này theo cảm xúc riêng, chứ chắc gì đã là về cái tên tôi hay tiếng hát tôi. Thế nhưng, tôi hy vọng mình đã làm ông hài lòng khi thể hiện nó. Tôi thích hiểu cái tên Lệ Thu theo nghĩa “mùa thu đẹp”, “mùa thu diễm lệ”.

Dù tôi cố giấu đến đâu, cuối cùng mẹ cũng biết. Có người mách: “Con bé Trâm nó hát ở phòng trà, vậy là mẹ đi xem tôi hát mà tôi không hề biết. Tất nhiên sau đó quan hệ mẹ con khá căng thẳng nhưng tôi biết mẹ rất hiểu tôi. Nếu mẹ có phản đối tôi theo nghề hát cũng chỉ là không muốn tôi vướng vào nhiều chuyện thị phi của nghề “xướng ca vô loài” mà thôi.

Thời vàng son của một danh ca

Sau đó có một nhà thương thuyết đặc biệt đã đến nhà tôi. Ông tên là Hiền Lương, vừa làm ký giả, vừa tham gia các chương trình ca nhạc. Ông bảo mẹ tôi yên tâm, ngày nay người hát được đón đưa trọng vọng, không phải xướng ca hát rong như ngày xưa.

Nếu mẹ tôi không tin tưởng, mỗi tối ông sẽ đến đón tôi đi hát rồi cuối buổi sẽ đưa ngay về nhà , thậm chí mẹ có thể đi cùng tôi. Thế là mẹ đồng ý. Còn tôi từ buổi đó, dấn thân vào con đường ca hát và thành công đã đến khá nhanh với tôi.

Nhiều năm qua, báo chí và khán giả vẫn nói những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX là thời vàng son của Lệ Thu. Thời ấy, với địa vị của một danh ca tôi nhận được mức lương cao kỷ lục 1 triệu đồng/tháng, khi hát ở vũ trường Tự Do. Vào thời vàng son ấy, tôi hát gần như hàng đêm mà đêm nào cũng hát cả chương trình.

Lúc tôi cộng tác với Jo Marcel, sau mỗi buổi diễn là tới phần ghi âm diễn ra ngay cùng sân khấu, cùng ban nhạc, thu “live” luôn. Đó là giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp của tôi, thời được hát thật nhiều tình khúc giá trị. Tôi có những đêm diễn khó quên ở Queen Bee, Tự Do, Ritz…

Nhiều nhạc sĩ đã tin tưởng gửi những bài hát vừa sáng tác cho tôi hát. Trong đó có nhiều bài gắn với tiếng hát của tôi suốt mấy mươi năm qua, luôn nằm trong nhạc mục của tôi ở bất cứ nơi đâu tôi đặt chân đến. Đó là các tác phẩm Hạ trắng của anh Trịnh Công Sơn, Xin còn gọi tên nhau của Trường Sa…

Mới đây, tôi tình cờ nhìn lại bìa cuốn băng thu bài Xin còn gọi tên nhau với tấm ảnh bìa trông có vẻ rất… ẩu nhưng tự nhiên. Những người bạn đi cùng tôi rất thích bức ảnh ấy. Số là lúc tôi vừa thu xong cho anh Trường Sa bài đó, cần một tấm ảnh để làm bìa nên anh ấy kéo tôi ra nhà thờ Đức Bà. Anh chụp luôn bằng máy của anh, tôi chẳng kịp trang điểm, làm điệu gì cả.

Tôi vẫn hát qua những thăng trầm

Tôi hay nhớ những chuyện nhỏ như thế bởi chính chúng đã làm nên cuộc đời ca sĩ của tôi, như trường hợp bài Hạ trắng,. Nhiều người thích nghe tôi hát bài này, có lẽ họ phải cảm ơn danh ca Hà Thanh đã mách tôi biết anh Trịnh Công Sơn đang muốn gửi cho tôi bài mới. Nhờ đó mà tôi sốt sắng tìm anh Sơn và có thêm một bài hát hay trong “gia tài” của mình.

Ngày đó tôi ghi âm nhiều lắm, không thể nhớ nổi bao nhiêu bài, trong những cuốn băng tên gì.

Gần đây tình cờ ghé qua một quán cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, tôi thấy ở đây có bộ sưu tập các băng nhạc cũ trong đó có nhiều cuốn băng của tôi được giữ gìn khá tốt, ảnh bìa vẫn rõ nét, tôi rất xúc động.

Nhắc tới Tân Sơn Nhất, tôi lại nhớ ngày “định mệnh” ấy. Vào những ngày cuối tháng 4 -1975, giữa lúc hỗn loạn tôi chỉ biết xách túi theo chồng con ra phi trường. Đúng lúc chen giữa dòng người đông đặc đang tranh nhau lên máy bay, tôi chợt sững người khi nhớ ra mẹ vẫn đang ở nhà. Bà không đi theo chúng tôi mà tôi không thể xa bà được. Thế là chúng tôi ở lại.

Ở lại, tôi nghĩ ở đâu mình cũng là ca sĩ, vẫn phải hát thôi. Tôi gia nhập đoàn Kim Cương và đi biểu diễn khắp nơi. Lúc không hát, tôi chăm lo cho quán cà phê nhỏ mang tên con gái út là Thu Uyển ở Tân Định. Tôi không ngờ mình sớm thành công với những bài hát mới mà trước đó không bao giờ tôi nghĩ mình có thể hát được. Tôi ra Hà Nội diễn, được khán giả ủng hộ nồng nhiệt khi nghe Hà Nội niềm tin và hy vọng và Tự nguyện.

Tôi bước chân sang đất Mỹ, năm 1979, theo cách nói của nhiều người là cũng vì hoàn cảnh mà ra đi.

Sang đó, thật may mắn, tôi được tham gia gần như ngay lập tức vào đời sống ca nhạc tại đây. Tôi mở đầu bằng một đêm nhạc khó quên trước hơn 2.000 khán giả, con số kỷ lục vào thời ấy, trong một live show của riêng tôi Beverly Hills. Đêm nhạc ấy diễn ra chỉ hai tuần sau khi tôi đặt chân đến đất Mỹ.

Từ đó tới nay đã gần hai mươi năm với khán giả trong nước tôi vẫn là “ca sĩ hải ngoại Lệ Thu”. Đến giờ, khi lại được hát trên những sân khấu lớn trước hàng trăm, hàng ngàn khán giả, có lúc tôi thấy mình như sống lại tâm trạng khi cô bé Oanh bước lên sân khấu phòng trà Bồng Lai năm 1960. Lúc đó tôi mới 17 tuổi.

Hãy vui vẻ mỗi ngày trong đời

Đã có quá nhiều chuyện xảy ra với tôi, cả thời cuộc lẫn cuộc sống riêng, kể từ ngày trở thành “ca sĩ nghiệp dư” 17 tuổi đến giờ. Tuổi tác đủ cho tôi nghiền ngẫm nhiều về những được mất của đời người.

Mới đây, trong một buổi giao lưu trực tuyến, nhiều khán giả nhắc lại kỷ niệm cũ làm tôi rất xúc động.

Tôi còn được nói chuyện với bạn học của con gái Quỳnh Trang nữa. Có một bạn trẻ hỏi: ” Sao trông cô trẻ thế?”. Điều này rất nhiều người hỏi tôi và câu trả lời thường là: “Tôi là hoa ni-lông mà. Hoa giả làm sao héo được!”.

Tôi nghĩ đời chẳng biết trước được, cứ vui vẻ mà sống. Không biết tôi có hoàn thành đúng như tử vi của mình là hát đến năm 72 tuổi hay không. Tuy nhiên, còn phút giây nào được đứng trên sân khấu đều vô cùng quý giá đối với tôi.

Những chuyện buồn trong cuộc sống riêng không làm tôi suy sụp mà còn khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Chắc nhờ thế mà tôi vẫn còn giữ được phong độ tốt để có thể hát thoải mái như thời con gái.

Lệ Thu

9-2007

Theo Netlife

nhacvietplus.com.vn

Lệ Thu đọc lời tựa

Băng nhạc Tác Phẩm Để Đời



Băng nhạc Lệ Thu 2

Lời thoại và ca khúc mở đầu phim Người Tình Không Chân Dung của Giao Chỉ Film – Sáng tác và hòa âm: Hoàng Trọng

Trả lời phỏng vấn

“Khi hát, tôi không còn thấy ai cả, chung quanh tôi không có ai cả. Tôi chỉ tập trung tư tưởng để hát theo nhịp đập của con tim mình, hát theo niềm hạnh phúc của mình. Tôi hát do những rung động phát ra từ tâm hồn tôi.”(Little Saigon Radio, 2003)

“Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Có câu danh ngôn vầy, hãy khép lại cánh cửa quá khứ và mở cánh cửa tương lai. Thì mở ra và bước thôi. Tôi không nhọc lòng lo lắng những thứ mình chưa biết, chưa trải ở tương lai.”(Thế giới An ninh, 2015)

“Với tôi, âm nhạc là một phần không thể thiếu của đời sống. Tôi luôn tự hỏi nếu một ngày không có âm nhạc thì tôi sẽ như thế nào. Và tôi không trả lời đươc.”(ZingNews, 2016)

Một số ca khúc

Chiều tím (nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng)

Ngậm ngùi & Mộ khúc (nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận & Xuân Diệu)

Mắt biếc (Cung Tiến)

Tình khúc thứ nhất (nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn)

Tình khúc buồn (Ngô Thụy Miên)

Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)

Lệ Thu và bằng hữu

Nam Lộc

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền

Bên cạnh Trần Thu Hà
Thái Thanh

Kiều Chinh
Trần Thái Hòa

Cẩm Vân và Quanh Linh

Với Cẩm Vân

Nguyễn Ánh 9 và Khánh Ly

Khánh Ly và Lệ Thu

Phương Thanh

Hồng Nhung, Khánh Ly, Lệ Thu

Ca sĩ Đồng Lan

Ca sĩ Cẩm Vân và hoa hậu Thu Hoài

“Tiếng hát vàng ròng”(Nguyên Sa)

“Vợ ta không cấm thì tại sao không khen? Giọng ca Lệ Thu trong bài Ngậm Ngùi là vàng mười” (Duyên Anh)

“Trong số bài thơ phổ nhạc vào lúc này, bài Ngậm Ngùi thành công nhất. Được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi được Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ”(Phạm Duy)

“Lệ Thu bất tử với Hương Xưa” (Mai Thảo)

“Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sàigòn đã được nghe 3 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và Mùa Thu Trong Mưa qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Chỉ với 3 bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông Hồng tuyệt đẹp.

Cá nhân tôi, khi nghe 3 ca khúc này đã yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả 3 bài đều mang chung một nhịp điệu Slow buồn. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã có thể lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim” (Ngô Thụy Miên)

“Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa thu trong mưa. Sau khi bài được thâu đĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin còn gọi tên nhau, Rồi mai tôi đưa em… tiếp theo nữa là Sầu muộn, Còn mãi xa người, Một mai em đi, Nụ cười tím, Như hoa rồi tàn… (…) Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quí Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sỹ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một” (Trường Sa)

“Khi tôi vẫn làng nhàng trong giới sinh viên học sinh quân đội, Lệ Thu đã là “bà hoàng” của vũ trường, là tiếng hát sang cả của một tầng lớp quý tộc khoa bảng, những người nhiều tiền. Họ yêu tiếng hát Lệ Thu bởi chất giọng lành lạnh, kiêu kỳ. Tiếng hát của đỉnh cao vực sâu. Tiếng hát sắc lạnh như một vết chém. Dứt khoát. Không nương tay. Vết chém ngọt ngào.

Nhiều lần hát chung, đứng bên cánh gà nhìn ra, tôi bồn chồn xốn xang nghe Lệ Thu hát, nghe những tràng pháo tay như sấm rền dành cho chị. Chưa đến lượt mình, tôi đã muốn tắt giọng. Đành là hồn ai nấy giữ, nhưng đứng trước Lệ Thu, tôi không còn một miếng tự tin nào.”(Khánh Ly)

“Ai cũng nghĩ chị ấy bị chi phối bởi những đổ vỡ đớn đau của cuộc đời. Nhưng không phải, bao giờ trong niềm đau cũng là sự lạc quan như chính cá tính của chị, té ngã chỗ nào thì đứng lên mà bước đi đúng chỗ đó. Có thể tiếng hát của chị chứa đựng những mất mát riêng tư và những nỗi buồn bàng bạc nhưng với người nghe họ thấy sự chia sẻ” (Lan Ngọc)

“Lần đầu tiên em biết đến chị là vào thời điểm đài truyền hình số 9 Saigon mỗi đêm trước giờ phát hình đều cho khán giả nghe giọng chị với bài Tình Khúc Thứ Nhất của anh Vũ Thành An. Chị ơi nghe giọng chị em phải lắng tai nghe mà quên hết mọi sự. Một giọng hát tròn đầy ngào ngạt thơm mùi lúa vàng quê hương miền Bắc. Nghe chị hát em thấy cả một bầu trời xanh của thanh bình và hạnh phúc. Dù cho chị hát bài buồn thì cái buồn cũng không ảm đạm , mà chỉ như là một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu đôi lứa. Như một bài thơ lãng mạn mô tả buổi chiều tà.Em cũng thích chị ở mái tóc ngắn à la garconne nhìn rất tinh nghịch. Vào cái thời mà đại đa số các nữ ca sĩ nào cũng để tóc dài thì mái tóc của chị cho thấy chị có cá tính rất mạnh mẽ, không cần theo ai , đường mình mình đi. Em cũng thích luôn những tà áo dài có hoa thật to của chị, trông như những bức tranh các danh họa của nước Pháp đã vẽ nên. Rồi đạn bom cày xới quê hương, sau 1975 có thời gian mình cùng hát trong đoàn Kim Cương. 10 Đồng một đêm cũng còn hơn là phải đi kinh tế mới, phải không chị? Em thì son phấn áo dài chạy xe đạp đến rạp hát ( thuở ấy không ai có xăng mà chạy gắn máy ). Em thấy chị mặt không trang điểm lấy xích lô đến rạp , lanh lẹn chạy vào hậu trường rồi mới vẽ mặt. Hát xong lại bôi hết phấn son ra về thoải mái trên xích lô. Thế cũng hay. Nhưng em cũng chợt tự hỏi mình . Hát có 10 đồng , chị đi xích lô thế thì còn gì nhỉ?” (Thanh Lan)

“Thập niên 65-75, Sài Gòn dường như có một cuộc nở rộ về các tài năng âm nhạc. Về sáng tác, người ta có thể kể đến Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Đức Huy, Anh Việt Thu,… Về ca sĩ, nổi lên như những ngôi sao của nền ca nhạc Việt Nam lúc bấy giờ là Khánh Ly và Lệ Thu. Lệ Thu có một tiếng hát khỏe khoắn. Khỏe khoắn ở đây không phải là sức mạnh của người hát, mà nó nằm trong sự tròn đầy và rắn chắc của từng mỗi chữ được hát ra. Vì thế, tuy là một giọng hát tình cảm, nhưng tiếng hát Lệ Thu không ủy mị. Có thể nói, cái buồn trong tiếng hát Lệ Thu hàm chứa sức sống, chứ không phải cái buồn làm rũ rượi người nghe. Âm sắc thanh cao và cách trình diễn của Lệ Thu có một vẻ gì đó khoan thai, dù là lúc cô buông rơi nhịp điệu, lên cao hay xuống thấp.” (Duy Trác)

“Cô vẫn phong thái đĩnh đạc, đầy quyền lực ngay từ trong cánh gà cho tới lúc trên sân khấu. Cách nói chuyện hài hước, bản lĩnh và giọng ca có bề sâu khắc khoải, trải đời, hát như cho không đời nhưng cứ như đang giữ lại gì đó bên trong” (Đồng Lan)

Tiễn Người

Ở chốn ấy có một nơi gọi là nhà nghi lễ
Em một mình
Ta không thể về thăm
Đâu phải vì đường xa
Mà bởi lòng ta muôn vạn dặm
Mười một năm bên nhau hơn mười năm đầm ấm
Ba mươi năm cách
Giờ thật sự mới chia lìa
Chỉ ta biết nỗi buồn kia
Lòng nghẹn ngào nhức nhối
Đêm trăn trở rớt kỷ niệm về trên gối
Nhang trầm bay hương khói trái tim đau
Em về trước, ta đến sau
Chắc sẽ gặp lại nhau nơi nào thiên thần dẫn lối
Thiên đường xa
Em sẽ tới chẳng cô đơn
Ta ôm hoài tiếng hát lẫn nguồn cơn
Có ánh sáng và tiếng đờn sân khấu
Những vốn liếng nhiệm mầu một đời gương mẫu
Tiếng hát còn vọng thấu đến ngàn sau
Đuốc hồng ân thay đèn màu
Soi đường dẫn rước hồn vào cõi không
Tiễn người thắp nén hương lòng
Đưa Thu giữa lúc trời Đông lạnh lùng
Chia phôi lần cuối nghìn trùng
Mai sau nếu có mong đừng xa nhau

(KH / Võ Thành Đông)

Người hâm mộ

Người hâm mộ

Ca sĩ Lê Tuấn

“Năm 1969 khi gia đình tôi khai trương quán cà phê nhạc máy Akai thì tôi được dịp nghe tới nghe lui mỗi ngày vài bận một tape nhạc 2 mặt x 45 phút, và tôi dù chỉ là đứa con nít nhưng đã biết ghiền nghe giọng hát của danh ca Lệ Thu, từ bài Xin mặt trời ngủ yên, nghe tới mức thuộc lòng dù chẳng hiểu hết lời bài hát, và cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa lời bài hát đầy chất jazz ấy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mà nhạc Trịnh có bài nào mà nghe hiểu hết từ đầu bao giờ, và có thể mỗi người nghe sẽ hiểu khác nhau bởi ý thức hệ và hoàn cảnh xã hội.
Mỗi khi có mặt ở quán nhà là tôi như bị thôi miên bởi Xin mặt trời ngủ yên + Lệ Thu, ngay cả sắp lên giường lúc 21g30, tôi cũng cố đợi nghe hết bài hát ấy rồi mới yên lòng nhắm mắt…ngủ. Thật ra trước đó tôi từng thích nghe Lệ Thu qua làn sóng điện với Lời buồn Thánh nằm trên căn gác đìu hiu, và Chiều mưa không có em bờ đá công viên âm thầm (Mùa thu trong mưa) lúc trời chiều Sài Gòn đổ mưa lành lạnh. Có lẽ ngày xưa biên tập viên Đài phát thanh rất nhạy bén với thời tiết nên phát sóng bài hát nào là trúng tim đen thính giả ghiền nghe nhạc trên radio và cũng có lẽ Tuấn tôi là một đứa trẻ có tâm hồn say mê ca nhạc từ hồi còn nằm nôi hay trong bụng mẹ.
Và thế là tape nhạc nào của quán cũng phải có Lệ Thu hát mỗi mặt 1 bài. Ôi biết bao nhiêu bài cô hát mà tôi đã nghe trăm lần như Ngậm ngùi, Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu, Lệ đá, Bóng chiều tà, Hạ trắng, Hỏi người còn nhớ đến ta, ngay cả Mùa thu lá bay (lời Việt: Nam Lộc) và bài hát mà tôi thích nghe mà lại sợ ma – Đừng bỏ em một mình, vì cô hát lành lạnh nổi hết da gà với lời lẽ hết sức liêu trai ma mị. Rồi bài Hẹn hò, Nếu một mai em sẽ qua đời, Xin còn gọi tên nhau, Người về, Thu hát cho người…Tôi còn biết mình may mắn hơn rất nhiều người là từng được đến phòng trà Ritz đường Trần Hưng Đạo để thưởng thức Giờ Lệ Thu trên sân khấu trang trí toàn giấy bạc và ánh đèn spot-light sau các ngôi sao Jo Marcel, Tiny Young, Như An, Diane, Billy Shane, Anh Khoa… Sau này khi đi hát, tôi hay nghe từ vedette xài cho các ca sĩ ăn khách hàng đầu, nhưng với tôi Lệ Thu chính là vedette của nhiều ngôi sao khác vì phần trình diễn của cô độc lập và riêng một góc trời.
Đùng một cái xảy ra tháng Tư 1975 mọi thứ như tan biến trước mắt người Sài Gòn có cả tôi. Tôi có nghe nói cô Lệ Thu có hát cho Đoàn kịch Kim Cương bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” rất hay nhưng suốt 3 năm trời tôi không có dịp đến rạp hát xem các ca sĩ Sài Gòn ca diễn nhạc Đỏ nên cứ nghe bạn học kế lại ai hát bài gì ra sao rồi tưởng tượng ra .
Đến lớp 12 tôi mới lần đầu xem được Lệ Thu bằng xương bằng thịt trên sân khấu với bài cổ điển Serenade (lời Việt: Phạm Duy). Ôi trời, tuyệt vời trên tất cả! Vì trước đó tôi chưa từng nghe cô hát bao giờ. Và thế là cứ mỗi tour Đoàn Kim Cương về rạp Tân Định hay Gia Định là tôi mua vé vào xem, chủ yếu phần ca sĩ Lệ Thu, Phương Hồng Quế, Thái Châu, Phương Đại, Mai Xuân tôi rất yêu mến. Và Serenade luôn là bài hit của Lệ Thu, bất kỳ vở kịch phần chính hôm đó là Dưới 2 màu áo, Lá sầu riêng hay Tania (vở xã hội Nga). Và nếu ai có hỏi lý do tôi thích Lệ Thu ngay từ còn bé, tôi sẽ luôn nói vì giọng hát cô rõ lời, thu hút từng câu từng chữ, tiếng hát cô sang trọng; tuy vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhìn cô trong chiếc áo dài trắng trên sân khấu rất sang cả mà ít ai có được. Ngay cả vẻ đẹp khuôn mặt cô lên TV trước 1975 cũng thuộc type quý phái…
Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ là chưa có cơ hội hát cùng sân khấu với danh ca Lệ Thu mà tôi đã ước mơ từ hồi 17 tuổi.
Câu nói rất quen: “Khán giả sẽ quên nghệ sĩ nhưng nghệ sĩ không bao giờ quên được khán giả” rất đúng với tôi. Và cho dù quy luật tre tàn măng mọc nhưng với tôi, cô Lệ Thu mãi mãi là tiếng hát thần tượng lúc thiếu thời của Lê Tuấn…”

Ca sĩ Lê Tuấn

1/2021

……………………………………………………………………………………….

Hoài Niệm Lệ Thu

Nàng ca sĩ của mùa thu
Đong đưa một giải sương mù mắt sầu
Tim đau nhỏ giọt lệ sầu
Giọng ngân cao vút nén đau một mình
Ngậm Ngùi số kiếp buồn tênh
Bản Tình Cuối vẫn một mình đơn côi
Mười Năm Tình Cũ xót xa
Cũng thôi đành gọi nhau là cố nhân
Sang Ngang lỡ bước một lần
Vết đau để lại ngàn năm vẫn còn
Mùa Thu Chết cũng mõi mòn
Ánh Đèn Màu giết nụ hôn đầu đời
Hẹn Hò nơi chốn xa xôi
Sầu Đông lạnh ngắt một trời nhớ nhung
Ai đi còn nhớ mình không?
Bẽ Bàng cho tận long đong của mình
Đỉnh Sầu cao ngút trời xanh
Đồi Thông một bóng riêng mình với trăng
Thuyền Viễn Xứ quá xa xăm
Quên Đi Tình Cũ cố dằn lòng thêm
Lệ Thu như giọt sầu rơi
Đành rằng tình vỗ cánh rời xa nhau
Đem đen mắt biếc gợn sầu
Nàng ca sĩ nén nỗi đau một mình

Mặc Lan

………………………………………………………………………………………………..

GIỜI ƠI (Trích từ Nghị luận chọn lọc & Lời bộc bạch).

Tác giả: Khuyết danh

Nước mắt mùa Thu, tôi thích nhất vẫn là Khánh Ly hát, có thể vì nghiện chất nhừa nhựa trong tiếng hát đó. Dù. Biết Nước mắt mùa Thu gắn liền với tiếng hát Lệ Thu. Tôi ít nghe Lệ Thu hát, và càng ít nghe những băng nhạc của Lệ Thu phát hành ở hải ngoại, sau 1975. Nhưng nếu được nói về Nước mắt mùa Thu mà Lệ Thu hát, tôi đặc biệt thích bản thu âm năm 1971, thích và chỉ thích ở hai chỗ rất nhỏ, chữ “hát” trong “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh”, và “trời ơi” trong “trời ơi, nước mắt mùa thu khóc thân phận mình.”.Hát. Chữ hát, Lệ Thu hát nhẹ, ngắn và nhanh, không ngân nga và dứt khoát. Một đời ca sĩ /hát/ trong buồn tênh. Như đời ca sĩ, hát rồi bị chóng quên. Nhưng nó không hay, không đẹp bằng “giời ơi” của Lệ Thu khi hát “Trời ơi, nước mắt mùa thu khóc thân phận mình.” Không chỉ riêng tôi, mà Nguyễn Hưng Quốc cũng từng say mê chữ giời này, ông kể, khi đọc bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, chỉ muốn đọc bằng giọng Băc, đặc biệt, ngoài giời mưa bụi bay. Chữ giời, nó mang lại cảm giác se lạnh, hắt hiu, tiêu điều của cơn mưa phùn. Buồn bã. .Về sau, không còn thấy Lệ Thu hát giời ơi nữa, thay bằng một thứ rất dở, người ơi, người ơi nước mắt mùa thu khóc thân phận người. Và cũng không một ca sĩ nào hát giời ơi, từ đó, cơn mưa phùn lạnh lẽo hắt hiu của mùa thu Hà Nội đã biết mất trong lời ca, cái lạnh lẽo của đời ca sĩ cũng mất theo, bi thương cũng không còn nữa. Mất giồi, mất cả giồi, giời ơi.

………………………………………………………………….

Phương Thảo – Trường Chinh

“Một Lệ Thu làm chủ hoàn toàn bài hát, làm chủ hoàn toàn sân khấu. Một phong cách trình diễn bất biến bao chục năm qua. Cô bước lên sân khấu và cất giọng hát thiên phú của mình, không điệu bộ, không những cử chỉ thừa thãi tay chân. Với Lệ Thu, chỉ có giọng hát tỏa mạnh, vang động đến tim người. Một Lệ Thu điềm đạm và đầy bản lĩnh trong trình diễn. Một phong cách của một nghệ sĩ lớn, một tiếng hát sinh ra để chinh phục khán giả.”

……………………………………………………………………………………….

Lý Kiến Trúc
4 tháng 1, 2021

Lục Huyền Cầm 

Lục huyền cầm

đàn ta ru ca

đàn ta tênh hênh

đàn ta là đàn bà

lỡ cung đàn tẻ

phím ân cần ve vuốt.

Dường như tình vừa đụng chạm giây tơ

ta cứ tưởng giây tơ là oan trái

hóa ra

la guitarra, mãnh liệt yêu.

Lục huyền cầm

mời em lên cung dặt dìu dữ dội

guitar nõn nà mông tròn trĩnh ngô đồng thơm

đậm đà da lộ liễu bồ quân

phím ngà tơ tóc mùa thu chải

một mai em có chia lìa

dạo âm điệu cũ bận lòng tương tư.

Mời em nhập hồn vào phiên sầu muộn

lên đồng cốt phiến u sầu

bay bổng thần tiên cánh đồng ca khúc

mê muội mò mẫm mẩn mê

Em. Người đàn bà âm nhạc ma quái của lòng ta

tiếng hát liêu trai cất lên bản tình ca cuối cùng của buổi chia tay đẫm lệ

bài ca buồn tủi năm xưa tuôn ra đêm nay như một lời giã biệt chưa chấm xuống hàng.

Lục huyền cầm

Cao cung lên. Cao lên. Cao lên nữa

Lãng quên đi. Lãng quên đi Serenade

Lãng quên đi mãnh lực của tình yêu

Còn lại chăng phút nhìn nhau u tối

Giã từ đam mê. La guitarra pasión.

……………………………………………………………………………………….

Binh Bong Bot

1/2021

Một người Việt Nam, nhưng lại có chất giọng của một người Mỹ da đen. Không lạ khi vào năm 1964, Lệ Thu hát bản “Xin mặt trời ngủ yên” trong đĩa nhựa microsillon hay tuyệt diệu. Nghe kỹ lại nhạc đệm bài hát này, ta không thể không nhận ra Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng lớn bởi “The house of the rising sun”. Và khi Lệ Thu cất giọng gào thét của mình lên, giới mộ điệu đã đón nhận nó thật nồng nhiệt. Hãy xem anti-fan Hồ Trường An viết: “Chua choa ơi, tiếng gào trầm thống sao mà chắc nịch làm tôi liên tưởng đến giọng các nữ ca sĩ da đen chuyên hát nhạc jazz theo điệu blue như Ella Fitzgerald, Sarah Vaughan, Mahila Jackson, Pearl Bailey hay nữ ca sĩ kiêm minh tinh màn bạc Liza Minnelli”.Cũng như “Summer time”, “Xin mặt trời ngủ yên” là một bài blue có những chỗ lên rất cao mà chỉ có cách gào rống mới diễn tả nổi cái đau banh gan xé ruột. Ở “Summer time” là nỗi đau trong kiếp nô lệ nhục nhằn của người Mỹ da đen. Ở bài “Xin mặt trời ngủ yên” là nỗi đau lớn của kiếp nhân sinh. Gào rống mà tiếng hát vẫn giữ vững cao độ, không sai một bán cung lại còn ngân nga rựa ràng như Lệ Thu đâu có dễ.

…………………………………………………………………………………….

Lệ Thu
Mùa thu mưa rơi rơi
Anh cúi mặt nhìn trời,
Lá rơi mùa thu chết,
Ta mất nhau một đời

Lộc Trần

………………………………………………………………………………

Hôm qua – Hôm nay – Hôm sau

Nguyễn Linh Quang

Hôm qua, thời 5-10 tuổi, tôi thấy bố loay hoay bên máy cassette mới tậu. Ông để máy thật sát TV, đợi người dẫn chương trình giới thiệu xong bài hát, vội nhấn cùng lúc vào hai nút REC và PLAY, một đỏ, một trắng. Bài hát phát ra từ truyền hình được thu âm thẳng vào chiếc cassette đang quay từ từ. Bố đợi hết bài hát, bấm nhẹ vào nút PLAY, tức thì nút REC bật lên một tiếng “tách”, cassette ngừng, bài hát đã thu xong. Cứ thế, ông thu, nghe, xóa những bài không ưng ý, lại thu, lại nghe, lại xóa. Giữa những tiếng lách tách của nút REC, nút PLAY thu cả vào băng cassette, là các tiếng hát đương thời lừng lẫy của Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hà Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú…, thỉnh thoảng bị đủ loại tạp âm, từ tiếng chó sủa, gà gáy, con nít hàng xóm khóc cười đến tiếng kéo ghế, rồ xe, rao hàng, gọi cửa… chen vào phá rối. Và có những lúc khoái trí, bố nói một mình, cho cả nhà cùng nghe: “Ai cũng hát ‘Ngậm Ngùi’, nhưng thấm nhất, vẫn là Lệ Thu!”

Hôm qua, thời 10-15 tuổi, đôi lần, tôi thoáng thấy Lệ Thu, như bao phụ nữ bình thường khác, lái honda ra, vào khu chung cư gần nhà, khi mẹ sai đi mua lạng giò, cân chả ở tiệm Minh Hương, hay tô hoành thánh của Hải Ký Mì Gia bên kia đường. Thời thế đổi dời, trên sân khấu lộ thiên dựng góc Nguyễn Văn Giai – Đinh Tiên Hoàng, nơi trước kia là bãi đổ rác của cả khu phố, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy trước mắt Lệ Thu bằng xương bằng thịt cất giọng: “Từ thành phố này, Người đã ra đi…” Vẫn tiếng hát ấy, khoan hòa, trầm dịu, đã thay đổi hẳn diện mạo của một bài hát từng bị nhét sâu vào đầu mọi người bằng tiếng loa phóng thanh ra rả mỗi ngày bên tai. Một lần, đọc báo, thấy nhắc chuyện Lệ Thu gây được tiếng vang lớn tại thủ đô Hà Nội. Giữa lòng Thăng Long nghìn năm văn vật, với “Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng”, “Dạ khúc/ Sérénade”, tiếng hát êm ấm, dạt dào cảm xúc ấy đã khuấy động tâm tư của những con người từ bao năm nay vốn quen tai với các âm thanh sắc, lạnh, nhọn vút. Một bài hát đẹp, qua lăng kính của tiếng hát Lệ Thu, vụt trở nên lộng lẫy.

Hôm qua, thời 15-20 tuổi, gần như mỗi cuối tuần, tôi đều đạp xe từ Đakao đến Phú Nhuận thăm ông bà ngoại. Bà vẫn thường lệ đi chùa, đọc kinh, niệm Phật, nấu chè, thổi xôi, thoa dầu Nhị Thiên Đường. Ông nằm một chỗ, sau lần trượt chân ngã trong nhà tắm và bị tai biến mạch máu não. Từ một người trước kia vốn rất năng động, thích ra Long Hải câu cá, thường xuyên theo dõi tình hình thế giới qua truyền thanh, truyền hình trong và ngoài nước, đặt mua dài hạn các tạp chí Time, Newsweek, Life, Chính Luận…, bây giờ, ông nằm nghiêng một bên trên giường, thần trí vẫn tỉnh táo, nhưng không điều khiển được chân bước, tai vẫn nghe rõ mồn một nhưng tay không vói được nút radio xoay vặn tìm đài, mắt lòa hẳn, nhìn mặt người thân còn mờ mịt, nói gì đến chuyện đọc chữ, xem ảnh. Tôi ngồi đọc báo ngày, báo tuần cho ông nghe, viết lại những gì ông nghĩ, nhớ trong đầu rồi phát thành lời để hoàn thành quyển gia phả của dòng họ, và, buổi chiều, loay hoay với chiếc radio kềnh càng đặt sát bên tai ông, xoay nút từng chút một, rà cho trúng đài BBC hay VOA để ông nghe tin tức. Lẫn vào những tạp âm nhiễu ríu rít lấn át cả giọng người, tệ hại gấp nhiều lần thời bố thu cassette nhạc qua TV, tôi lặng nghe Khánh Ly hát “Sài Gòn, Niềm Nhớ Không Tên” hay mê mẩn cùng “Tóc Mây” với giọng thơ trẻ nhưng vững vàng của Thái Hiền. Cũng ở đó, qua cuộc phỏng vấn của Lê Văn, Lệ Thu kể về chuyến vượt biển thành công của hai mẹ con, về những kỷ niệm cười ra nước mắt khi cùng hai ca sĩ Thanh Lan và Hoạ Mi thăm thú phố phường Hà Nội trong chuyến lưu diễn của đoàn kịch Kim Cương. Và Lệ Thu hát, vẫn tiếng hát ấy, trầm, rền, mượt, ấm, vượt qua tạp âm, vượt qua không gian, đến được với người còn ở lại quê hương.

Hôm qua, thời 20-25 tuổi, lúc rảnh rỗi trong ngày, tôi hay chạy sang nhà ông bà nội. Từ Gia Định, qua Đakao, dọn ra Hàng Xanh, cuối cùng lại dời về Đakao, căn nhà gỗ tiền chế ông bà thuê ở cùng con đường, chỉ cách nhà tôi khoảng năm phút đi bộ, và cũng độ chừng ấy phút để đến nhà bác C., chị của bố và bác M., anh của bố. Bà ngẩn ngơ đã vài năm, ngồi yên một chỗ. Ông lúc nào cũng có việc để làm, không lúi húi với hòn non bộ, bể cá vàng ngoài sân, hồ cá cảnh trong nhà, cái hoa cái lá, cũng cẩn thận lau chùi mấy món đồ cổ hay bày bộ ấm trà tàu gan gà với chén tống chén quân ra khề khà cùng con cháu, kể chuyện ngày xưa sang tận Tàu buôn hàng gốm sứ. Dù ở cùng một con đường, nhưng nhà tôi mặt tiền, khô không khốc, nhà ông bà thuê chỉ thụt sâu vào chưa đến năm mươi thước, vậy mà mát bóng cây và yên tĩnh như giữa một vùng quê xa nào đó. Đấy là một trong nhiều lý do để tôi chạy qua, chạy về: Tôi thèm khoảng xanh, thèm được trồng một cái cây thẳng xuống đất, không phải bó bí trong chậu nhựa hay bệ xi-măng, thèm được mở bọc lăng quăng gọi cá đến ăn, thèm được vạch tán lá ngọc lan, mãng cầu, cà-ri rậm rạp, tìm bắt những con sâu nhỏ, đem về bỏ vào lọ thuỷ tinh nuôi lớn từng ngày, để cuối cùng, sau thời hoá nhộng, nở ra bọn bướm xanh lá cây, xanh da trời, đen đốm đỏ khoanh trắng. Vậy đó, trong mảnh vườn nhỏ bên hông nhà ông bà, một lần đang lúi húi cột tỉa bụi trạng nguyên vừa đỏ hoa tháng Chạp, tôi ngẩn người nhận ra giọng Lệ Thu. “Ave Maria.” Từ đâu không rõ, chương trình radio thu lại hay cassette hải ngoại theo các thùng quà ở ngoại quốc tuồn về, nhưng tiếng hát ấy, bài hát ấy vang lên vào những ngày cận Giáng Sinh, như một lời nhắn gọi thiêng liêng cho những ai còn le lói chút niềm tin giữa thời kỳ đen tối mịt mù của đất nước.

Hôm qua, thời 25-30 tuổi, sau hơn mười năm không gặp, chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau, ở một thành phố Bắc Mỹ. Những đứa trẻ khu Đakao đã lớn, nhưng khoảng cách một thập niên với hai lối hấp thụ kiến thức trường lớp và trường đời khác nhau, không nhiều thì ít, cũng đã uốn nắn chúng tôi thành những thanh niên, tráng niên có cái nhìn và cách xử thế khác nhau trước cuộc sống. Chỉ có tiếng hát Lệ Thu là vẫn thế, và vẫn là những bài hát của nhiều năm trước, được khán thính giả yêu cầu hát lại. Lệ Thu đứng trên sân khấu, trong ánh đèn màu, cũng ít nhiều có khác với Lệ Thu trong TV đen trắng của băng tần số 9 năm xưa, hay Lệ Thu của sàn rạp lộ thiên dạo nọ. Bạn, nhà đối diện với chung cư của người ca sĩ, có nhận họ nhận hàng, nhận đồng hương, láng giềng cũ? Tôi, nhìn quanh, tự hỏi: Giữa những kẻ đang đứng ngồi, ăn uống, tán gẫu hay đong đưa trên sàn nhảy của buổi dạ vũ này, có bao nhiêu người đang thật sự trải lòng ra nghe tiếng hát ấy?

Hôm qua, thời 30-40 tuổi, tôi tiếp tục nghe, xem Lệ Thu hát. Không múa diễn, không luyến láy, không cường điệu phô trương kỹ thuật, tiếng hát, như hơi thở, như lời tâm tình, cứ thế tuôn chảy, dào dạt, miên man. Kỹ thuật hiện đại đã thay đĩa than, đĩa nhựa, băng cối AKAI hay cassette SONY, PHILIPS bằng CD, thay video VHS bằng DVD, Blu-ray Disc, người nghe, người xem ngày càng dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng có chất lượng hình ảnh, âm thanh cực tốt. Như nhiều người yêu nhạc, tôi mua sản phẩm gốc của các trung tâm, và chắc chắn, phải có các CD với tiếng hát Lệ Thu. Lệ Thu hát nhạc Việt, Lệ Thu hát nhạc bán cổ điển Âu châu lời Việt, Lệ Thu hát một mình hay song ca với Khánh Ly, trên nền hoà âm của Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Duy Cường… Bao nhiêu băng, đĩa để chất, chứa cho vừa cả một đời ca hát?

Hôm qua, thời 40-45 tuổi, chúng tôi rủ nhau tổ chức một chương trình nhạc thính phòng, một dương cầm, một tây ban cầm, một đại hồ cầm, một tiếng hát: Lệ Thu. Paris, chiều hôm ấy, chưa bao giờ chúng tôi được nghe Lệ Thu hát gần như thế, hát nhiều như thế. Bố mẹ tôi, anh em tôi, vợ con tôi, bạn bè tôi, trước-sau-trên-dưới sân khấu, đã cùng nghe và cùng hát với Lệ Thu. Bố mẹ, nhất là bố, chắc hẳn rất hài lòng với “Ngậm Ngùi” không tạp âm của một khuôn dáng, một tiếng hát hiện diện trong không gian thật, với một khoảng cách chỉ vài mươi thước giữa sân khấu và hàng ghế khán thính giả. Con trai của chúng tôi, đang thời 5-10 tuổi, chạy quanh khán phòng, không biết có lưu lại chút gì trong ký ức nó những năm sau này về tiếng hát nỉ non của những tình nhân ấy không?

Hôm qua, thời 55-60 tuổi, tôi đón những bông tuyết đầu tiên của Tháng Giêng cùng lúc với cái tin Lệ Thu vừa qua đời. Trời xám, nặng, bít bùng. Không phải “Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều…” mà là những giọt đông trắng lạnh lả tả bay từ khi trưa vừa ửng. Trái tim đã ngưng đập, nhưng tiếng hát không tắt lịm, trái lại, còn truyền, lan mạnh hơn bao giờ hết trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Trong một ngày, tôi nhận, đọc gần một trăm tin nhắn, e-mail, bài viết, hình ảnh, bản nhạc… tất cả đều hướng đến cùng một cái tên: Lệ Thu.

Hôm nay, vẫn thời 55-60 tuổi, tôi nhìn xuống: Những vạt tuyết cuối cùng đã tan lẫn vào bãi cỏ sau nhà. Tôi nhìn lên: Mây nõn lênh đênh trên nền xanh biếc, những nụ mộc lan, anh đào đang căng phồng nơi góc vườn, nao nức chờ ngày bung nở. Một người bạn gửi cho nghe “Tuổi Xưa Quê Nhà”, nhạc ngoại quốc, lời Việt của Phạm Duy, Lệ Thu trình bày. Lần đầu tiên nghe giai điệu lạ lùng của bài hát. Lần đầu tiên nghe tiếng hát Lệ Thu với tiết tấu nhanh, với một âm vực khác thường. Lại thêm một khám phá về tiếng hát đã “già” non nửa thế kỷ!

Hôm sau, thời 60-70 tuổi hay lâu hơn nữa, nếu còn có thể, tôi vẫn sẽ nghe Lệ Thu. Khi nào còn người yêu nhạc Việt, của những Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Vũ Thành, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trường Sa, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Đức Sao Biển, Trần Quảng Nam…, tôi đoan chắc, khi ấy, tiếng hát Lệ Thu sẽ còn tiếp tục cất lên ở một nơi nào đó, trên quả địa cầu này.

———————————————————————————————–

Tranh của Đinh Trường Chinh

Tranh của Quốc Vũ

Tranh của Giang Thế Hiếu

Một số tài liệu còn lưu lại

Lệ Thu góp mặt trong ba bộ phim tài liệu Huế Thơ và Mộng, Gian Hàng Công Nghệ và Triển Lãm Văn Hóa Việt Nam đầu thập niên 1960 do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện.

Từ trái sang: Thanh Tuyền, Lệ Thu, Họa Mi.

Lệ Thu và Hoàng Thi Thao

Từ trái: nhà văn Nhã Ca, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, Lệ Thu

Ca khúc Người Tình Không Chân Dung từ phim truyện cùng tên (1971)


Ca khúc Chiếc Bóng Bên Đường từ cuốn phim cùng tên (1973)

Đĩa nhựa thập niên 60

……………………………………………………………………………………………………………………………………………….