Mộc Lan (1931-2015)- Phần 2

FullSizeRender-3 copy.jpg

 

Mỗi khi nghe các giọng ca như Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà, Duy Trác…. thì tôi lại muốn dịch cụm từ “The Era of Elegance” sang tiếng Việt sao cho thuận tai. Một giai đoạn lịch lãm? Một thời kỳ sang cả? Riêng với giọng ca Mộc Lan thì có tác giả nhận xét là có tính cách Bel Canto. Theo tự điển The Harvard Dictionary of Music của Willi Apel thì Bel Canto là lối hát “chú tâm đến thẩm âm và lối trình bày thông minh, thay vì phơi bày kịch tính hoặc những cảm xúc ướt át  (emphasis on beauty of sound and brilliancy of performance rather than dramatic expression or romantic emotion). Dựa trên cách định nghĩa này thì sự so sánh ấy không sai. Mộc Lan hát như để giúp cho ta thấy một giai điệu và ca từ có thể đẹp đến mức nào. Bà không hát kiểu kể chuyện hoặc diễn xuất vì việc đó đã có những Thái Thanh, Ánh Tuyết làm quá tốt rồi!

Giọng hát Mộc Lan khác hẳn những giọng nữ cao tiền chiến khác, ngoại trừ Kim Tước, ở độ dày và ấm. Nếu như những tiếng hát kia là đàn violon thì Mộc Lan ắt hẳn là viola. Ngay cả những giọng soprano hàn lâm của miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh sau này, tuy kỹ thuật rất tuyệt vời nhưng chất giọng vẫn mỏng và lanh lảnh. Đó hoàn toàn không phải lỗi của họ vì sự tròn trịa và đầy đặn trong chất giọng là một món quà thiên phú. Nói như vậy không có nghĩa giọng ca Mộc Lan chỉ có kỹ thuật. Hãy theo bước từng con chữ sắc bén lẫn ngậm ngùi trong ca khúc Một Đời Hoa để rồi tiếng hát bỗng hóa thành những cơn sóng lăn tăn, lả lơi rất jazzy trong Tha Hương. Cảm xúc rất chan hòa, nhưng được gói trọn trong lối nhả chữ rất thành thị và bản chất tự tại của những bức tranh vẽ chân dung hoặc tĩnh vật.

Ca sĩ Kim Tước kể lại khi Mộc Lan và Châu Kỳ xuất hiện tại Hà Nội thì đã trở thành ngay một hiện tượng và khán giả nào cũng bị chinh phục, chỉ còn “biết ngắm và nghe”. Nhà văn Hồ Trường An tường thuật: “Vào năm 1961, Thanh Tâm Tuyền có viết một bài Mộc Lan, Tiếng Hát Cô Đơn đăng trên tuần san Kịch Ảnh …..Vào năm 1973, tôi được nữ danh ca Mộc Lan mời cộng tác viết bài mũ (tức là viết lời giáo đầu) cho ban nhạc chủ đề Mộc Lan trên đài Vô Tuyến Truyền Hình. Tôi còn được chị giao cho việc mời ca sĩ và chọn nhạc. Trong một lần viếng thăm nhà chị Mộc Lan, tôi có dịp đem bài Mộc Lan, Tiếng Hát Cô Đơn ra kể cho chị nghe. Chị tìm tập giấy mà chị cắt bài đó dán trên những trang giấy trắng, bảo tôi: Tôi còn giữ bài đó. Thật tôi không ngờ giọng hát của tôi được một nhà văn lớn chiếu cố như vậy.

Sau 1975, chồng Mộc Lan vào trại cải tạo, còn bà ở lại nhà nhưng lại không còn nhà vì đã bị tịch thu . Ban đầu bà sống nhờ trong nhà bếp của một tư gia nọ, và sau nhiều lần trôi giạt, đã lưu lại trong một mái nhà lụp xụp chìm sâu trong hẻm đường Lê văn Sỉ. Trải qua nhiều mất mát, bà vẫn giữ bên mình một vài kỷ niệm của một thời vang bóng. Nhưng khác với năm 1973, lần này bà đã đem tặng một phần nó cho tác giả kia vào năm 1998. Phải chăng đó là một cách nhờ người giữ hộ một chút của “mộ phần thế kỷ”(1)? Đó chính là tấm ảnh chụp với ban hòa tấu Tiếng Tơ Đồng có cô ca sĩ Mộc Lan đang lĩnh xướng vào năm 1968.

moclantiengtodong2.jpg

 

Nửa thế kỷ đã qua, nhưng tiếng hát Mộc Lan vẫn còn “vang vang trời vào Xuân”(2) . Hoặc ít ra người viết bài này vẫn cho là thế.

 

(1) Tựa đề một bài hát của Phạm Duy
(2) Tựa đề một bài hát của Cung Tiến

 

Một đời hoa (Đào Duy)

 

Tha hương (Hoàng Trọng)