Tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Phạm Duy 27 tháng giêng
Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi được trích từ Trường ca Con Đường Cái Quan do nhạc sĩ Phạm Duy bỏ ra nhiều năm cuối thập niên 50 để sáng tác. Trường ca bao gồm 19 đoản khúc , là một hành trình xuyên Việt qua âm nhạc. Ca khúc Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi lấy bối cảnh miền Trung để nói về Huyền Trân Công Chúa(Trần Thị Ngọc Bảo 陳氏玉寶), đã làm ái cơ cho vua Champa Chế Mân để đánh đổi hai Châu Ô và Châu Lý. Hôn nhân kết thúc chỉ sau một năm khi vua Champa qua đời, và công chúa Ngọc Bảo trốn về Thăng Long để thoát tục lệ bị thiêu sống theo vua. Bà lui về Bắc Ninh để xuất gia với pháp hiệu Hương Tràng. Ca khúc mang âm hưởng Nam Bình của xứ Huế đã được Thái Thanh trình bày trong đợt thâu âm đầu tiên cho Con Đường Cái Quan năm 1960, sau đó được nhiều chương trình ca nhạc trích ra để các giọng ca như Hà Thanh và Hồng Vân trình bày.
Sau đây là Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi qua ba tiếng hát Thái Thanh, Hà Thanh và Hồng Vân:
“Tình xưa không vỡ bao giờ. Mùa xưa còn thơm ngàn gió ….”
Đó là hai câu trích từ ca khúc Hẹn Một Ngày Về của tác giả Lê Hữu Mục. Ông sáng tác bài này khi biết mình phải rời Huế là nơi ông đang giảng dạy đầu thập niên 1950 để về Bắc. Khi nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế xin phép phổ biến bài hát này thì ông đồng ý với một điều kiện nho nhỏ: một vé máy bay khứ hồi Huế- Hà Nội (1) Chừng đó đủ nói lên cái tình mà nhạc sĩ họ Lê dành cho Huế. Cũng như những ca khúc kín đáo, từ tốn khác về Huế của Phạm Duy (Dạ Lai Hương, Nước non ngàn dặm ra đi) và Dương Thiệu Tước (Đêm tàn Bến Ngự), bài này không lạm dụng những địa danh hoặc thổ ngữ của cố đô một cách trần trụi . Thính giả nào tập trung vào giai điệu và ca từ của bài hát đều cảm nhận được những ngôn ngữ trau chuốt được gửi gắm trong các nốt nhạc cao sang và mềm mại. Một tác phẩm đòi hỏi thính giác nhiều hơn thị giác và nhất là không quá quan tâm đến thị trường.
“Nhạc phẩm viết theo nhịp 3/4 chậm rãi như một nhạc phẩm bán cổ điển semi-classic do các ca sĩ thời danh như Hà-Thanh (Đài phát thanh Huế), Quỳnh-Giao, Ánh Tuyết (Đài phát thanh Saigon) hát, làm nhiều thính giả say mê”(2).
Hà Thanh đến với chúng ta qua nhiều dòng nhạc và mang cho ta nhiều cảm xúc, nhưng bao giờ tiếng hát của cô cũng đằm thắm và an nhiên. Có thể vì lẽ đó mà nhiều ca khúc Xuân đã được các tác giả gửi gắm qua giọng ca Hà Thanh, từ Tiến Đạt, Hoàng Trọng, Ngọc Bích đến Phạm Duy và Nguyễn văn Đông. Ngày nào ta vẫn còn rung động trước một cành mai hay khi gió Xuân về, ngày ấy tiếng hát Hà Thanh vẫn chưa nhạt phai…
Thu âm trực tiếp từ chuyến lưu diễn của Hà Thanh tại Paris năm 1969:
Tình khúc hàng hàng lớp lớp (Nguyễn văn Đông) và Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước):
Hai bản thâu acoustic tại Sài Gòn đầu thập niên 70: Mùa thu Paris và Tiễn Em (đều là nhạc Phạm Duy, lời Cung Trầm Tưởng):
Trích bài viết của Nguyễn Đắc Xuân nhân ngày giỗ đầu của Ca sĩ Hà Thanh
Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.
“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”
Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.
“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..
Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:
– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!
Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:
– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:
– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!
Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.
Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:
– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.
Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.
Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.
….
…. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.
Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:
– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?
Tình thiệt tôi đáp:
– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?
Chị lại bảo:
– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!
Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…
Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.
Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.
Tình cờ tìm thấy tấm hình của bốn cựu thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng ngày xưa khiến tôi nghĩ đến những mùa Xuân đằm thắm của quá khứ: tươi tắn và thanh nhã. Do đó tôi xin lấy bốn giọng ca Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao làm nguồn cảm hứng cho vài dòng sau đây về dòng nhạc Xuân mà lẽ ra người ta chỉ viết khi Tết sắp đến.
Không rõ dòng nhạc Xuân mà người ta thường hay hát vào dịp Tết chính thức ra đời khi nào, nhưng bài tân nhạc về Xuân xưa nhất mà tôi biết được là Xuân Nghệ sĩ Hành khúc (1937) của Lê Yên và kế đến là Xuân và Tuổi Trẻ (1944) của La Hối. Thập niên 30 và 40 cũng chính là giai đoạn phôi thai của tân nhạc Việt Nam mà, theo nhạc sĩ Phạm Duy, “được sinh sôi nẩy nở trong một bối cảnh lịch sử rất sinh động cho nên nó cũng mang ngay vết tích của thời đại……tại Việt Nam, giữa lúc tân nhạc đang được thành lập, sự phản ứng của thanh niên đối với thái độ của nhà cầm quyền Pháp là đưa ra những bài hát không phải để xưng tụng ”mẫu quốc” đang thất trận, mà là để nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của tuổi trẻ...” (1) Không thể chính thức vỗ tay reo mừng sự tàn lụi của thực dân, nhạc sĩ Lê Yên đã viết:
“Xuân tươi xuân vui Xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca đẹp trong sắc muôn ngàn hoạ Xuân về Ta chào xuân khắp nơi chào xuân thắm tươi chào xuân với bao ngày vui”
Xuân Nghệ sĩ Hành khúc (1937)- Trình bày: Thái Thanh
Sau đó 7 năm, trong hoàn cảnh quân đội Nhật đang lấn lướt các thế lực theo Pháp tại Việt Nam, nhạc sĩ gốc Hoa trẻ tuổi La Hối đã sáng tác một giai điệu đầy sức sống theo điệu Valse mà về sau nhà văn Thế Lữ đã đặt lời Việt và cho tựa đề Xuân và Tuổi Trẻ. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, “một loại Tân Nhạc khác đã ra đời trong mấy năm 40-44 được hát trong các giới hướng đạo và sinh viên học sinh, với chủ đề là Niềm vui sống và Tình yêu nước” (1). Thật vậy, bài Xuân và Tuổi Trẻ đã kêu gọi :
“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời, Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân tươi “
Xuân và Tuổi Trẻ (1944) – Trình bày: Quỳnh Giao
Qua đến đầu thập niên 50, đất nước tương đối yên bình và đó cũng là lúc thính giả Việt Nam được nghe những bài nhạc Tết trong sáng với mục đích thuần túy là chào đón sự vươn mình của mùa Xuân và cũng là những lời chúc Tết hiền hòa, dịu dàng nhất qua âm nhạc. Điển hình là Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng đã quay lại với sự lãng mạn của tình yêu cá nhân:
“Nồng ngát hương thơm trời xuân mang niềm nhớ Cho những kiếp người sống cô đơn ước mong mùa xuân rắc reo khắp nơi trần thế”
Gió mùa Xuân tới (1952) – Trình bày: Hà Thanh
hoặc Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương năm 1952 đã được sử dụng như một lời tri ân cho đất nước và dân tộc:
“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi…. Hương thanh bình dâng phơi phới”
Hay Hoa Xuân năm 1953 của Phạm Duy đã rũ sạch mối ám ảnh của chiến tranh:
“Có một đàn em bé ngoài đê Hát câu i tờ đón Xuân về ……. Có một vài tóc trắng thầm mơ Ước cho hoa nở mãi không già”
Hoa Xuân (1953)- Trình bày: Hà Thanh
Sau khi đất nước bị chia cắt, Phạm Đình Chương, tác giả của Ly Rượu Mừng đã cho ra đời một ca khúc Xuân thật hay và thật buồn để nói lên tâm trạng của những người miền Bắc di cư vào Nam. Bài nhạc “Xuân” đẹp và u uất này đã không được biểu diễn thường xuyên như những bài hát Tết khác vì lý do dễ hiểu:
“Xuân tới, muôn cánh hoa đào bay khắp nơi Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương“.
(Xuân Tha Hương, 1956-Phạm Đình Chương, )
Xuân tha hương (1956) – Trình bày: Mai Hương
Thập niên 60 và 70, cuộc chiến ngày càng leo thang. Từ đó nảy sinh ra một nhánh nhạc Xuân để phản ảnh hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước,. Đó là những ca khúc nói về những cái Tết xa nhà của người lính hoặc những gia đình không được đoàn tụ vào dịp Tết vì hoàn cảnh chiến tranh. Tiêu biểu là Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân hoặc Đồn Vắng Chiều Xuân của Trần Thiện Thanh. Ngoài cái bối cảnh dễ gây xúc động, những bài hát này còn đáng chú ý ở cái chất nhân văn vì trọng tâm của chúng vẫn là lòng người trước vẻ đẹp của mùa Xuân và những tình cảm thiêng liêng người lính dành cho ngày Tết. Cái đẹp và tình người đã chiến thắng lòng căm thù và sợ hãi:
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa ”
(Xuân này con không về- Trịnh Lâm Ngân)
hoặc
“Đồn anh đóng ven rừng mai Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưả
Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang”
(Đồn vắng chiều Xuân- Trần Thiện Thanh)
Hình ảnh người chiến sĩ bế súng, vây quanh là hoa vàng rực rỡ, và trong tim không chút hận thù thật là cao thượng! Đó là một bức tranh Xuân với một độ sâu khác thường, chẳng khác nào một thiền sinh, mặc cho những ràng buộc của thế gian đang vây quanh, đã đủ sự tỉnh táo để vượt qua những cuộc tranh chấp của người đời. Trong bài Phiên Gác Đêm Xuân, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đã viết:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm chào Xuân đến súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay-ngờ đâu hoa lá rơi…”
Ông tâm sự: “Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
….. Mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. ….. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân”
Phiên gác đêm Xuân- Trình bày: Hà Thanh
Bước qua đầu thế kỷ 21, dòng nhạc Xuân trong nước đã chuyển mình với những ca khúc Xuân mang màu sắc và sự năng động của những thế hệ lớn lên trong hòa bình và khát khao hòa nhập với thế giới bên ngoài. Những bài hát này chẳng những trong sáng và khỏe mạnh (Hoa Cỏ Mùa Xuân của Bảo Chấn, Lắng Nghe Mùa Xuân Về của Dương Thụ, Thì thầm mùa Xuân của Ngọc Châu v.v.) mà còn được trình bày với phong cách hiện đại và kỹ thuật thanh nhạc rất chuyên nghiệp. Tôi cho đó là một sự phát triển tự nhiên và nhất là đáng mừng vì trong sự trẻ trung ta thấy vẫn phảng phất những giai điệu của dân ca.
Xem như nhạc Xuân của Việt Nam đã đi giáp chu kỳ của gần một thế kỷ tân nhạc và lúc nào cũng “khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Hy vọng khi Tết đến, ta sẽ nghe nhiều bài nhạc Xuân của nhiều thế hệ khác nhau và cảm nhận những mất mát lẫn may mắn của quê hương được gìn giữ trong dòng nhạc rất đặc biệt này.
Đó là kỷ niệm sau cùng có được với ca sĩ Hà Thanh khi cô quay sang hát nho nhỏ hai câu ấy để đáp lại lời tôi yêu cầu trước khi cô hát cho đám đông một yêu cầu khác tại một ngôi chùa ở Boston cách đây khoảng hai năm.
Trong ký ức tôi, sự nghiệp và cuộc đời của ca sĩ Hà Thanh luôn gắn bó với chút đơn độc, lẻ loi. Ngày xưa khi các băng nhựa của chương trình Tiếng Tơ Đồng ở Sài Gòn được thống trị bởi những giọng ca với kỹ thuật soprano đến từ đất Bắc như Thái Thanh, Kim Tước, Mộc Lan… thì bỗng lạc vào đó tiếng hát Hà Thanh. Cũng cao vút và quí phái, nhưng trong giọng ca cô Hà có chút tiết chế và dè dặt của một người đàn bà kín cổng, cao tường của xứ Huế. Rất trầm lặng trong sự nghiệp lẫn cuộc sống đời thường, nhưng Hà Thanh đã để lại những dấu vết kinh điển trong âm nhạc Việt Nam như Con thuyền không bến, Suối Mơ, Bến Xuân, Gửi gió cho mây ngàn bay, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn…
Sau cuộc đao binh năm 1975, tình cờ mà Hà Thanh cũng đến định cư ở thành phố Boston. Tránh xa những sinh hoạt chính trị đôi khi xô bồ của cộng đồng, cô dường như chỉ tham gia vào những sinh hoạt Phật giáo. Sống một mình, đi lễ chùa một mình, rồi lại ra về một mình. Người nghệ sĩ này, trong cách sống của cô, đã quay về an trú trong hiện tại.
Giờ đây đã quá xa lìa những nổi trôi của duyên tình thời thiếu nữ, có lẽ Hà Thanh chẳng còn luyến tiếc những câu hát ngày xưa
“Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn” (1).
Những đau đớn, vật vã thân xác trong những ngày cuối đời, cô cũng đã giã từ. Cho dù Tết này đi chùa sẽ chẳng còn được nghe Hà Thanh hát “Xuân vừa về trên bãi cỏ non -Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn ” (2) nhưng cũng cảm thấy mừng là thân cô đã nhẹ, và hồn cô chắc chắn có được ít nhiều bình yên. Người ta đã tặng cô nhiều mỹ từ rồi, nhưng có lẽ cô thích nhất lời của một nhà sư ví von Hà Thanh như “một con chim họa mi hót kinh trên vai Đức Phật”.
Nhớ lại mấy câu hát được cô hát tặng bên tai ngày nào và xin ghi ra đây trọn bài “Từng bước chân thảnh thơi ” để tiễn chân cô đến một nơi chốn, một cung bậc nhẹ nhàng hơn:
Từng bước chân thảnh thơi Mặt trời như trái tim đỏ tươi Từng đoá hoa mỉm cười Ruộng đồng xanh ngát như biển khơi Cùng gió ca lời chim Từng bước chân thảnh thơi Đường dài em bước như dạo chơi Từng bước chân thảnh thơi Nụ cười tươi thắm trên làn môi Từng đám mây ngang trời Là dòng sông chảy ra biển khơi Nguồn khổ đau nhẹ vơi Từng bước chân thảnh thơi Cùng người em bước đi mọi nơi.
(1) Về mái nhà xưa – Nguyễn văn Đông (2) Hoa Xuân – Phạm Duy
Từ trước năm 75, ở ngoài Bắc tôi đã được nghe qua đài phát thanh Sài Gòn tiếng hát của Hà Thanh, một giọng hát không lẫn với bất kỳ ca sĩ nào khác ở miền Nam và đương nhiên là cả miền Bắc. Tôi mê nhất bài Bến Xuân của Văn Cao và Chiều Mưa Biên Giới (không biết của nhạc sĩ nào) do Hà Thanh hát với những luyến láy ở cuối mỗi câu làm mê hoặc người nghe đến như vậy. Sau giải phóng tôi về Huế muốn tìm gặp Hà Thanh nhưng nghe nói cô đã vào Nha Trang, rồi Sài Gòn… Mãi đến năm 2005 khi sang Boston theo lời mời của Trung tâm William Joiner, tình cờ đến thăm một ngôi chùa, các sư cho tôi biết ca sĩ Hà Thanh thường lui tới đây để hát những bài thiền ca…Tôi chẳng dám ví mình như Trịnh Công Sơn, Hà Thanh, Bửu Chỉ…. nhưng cái chất Huế trong con người tôi thì tôi thấy giống họ